Lượt xem: 2495

Chiến sĩ biệt động Lai Văn Tửng và con đường mang tên ông tại thành phố Sóc Trăng

Lai Văn Tửng là tên đồng chí Đội trưởng Đội Biệt động Khu II, thuộc Đội Biệt động thị xã Sóc Trăng đã anh dũng hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Với dóc người cao, to lại có võ nghệ, cùng với bản tính gan dạ, dũng cảm, Lai Văn Tửng chỉ huy và tham gia chiến đấu hàng chục trận, tiêu diệt nhiều sinh lực địch. Ghi nhận những cống hiến to lớn của người chiến sĩ biệt động, đồng thời để tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng địa phương, năm 1976 đường Lý Thái Tổ ở Phường 6, thị xã Sóc Trăng được đổi tên thành đường Lai Văn Tửng cho đến ngày nay.

    Đồng chí Lai Văn Tửng sinh năm 1937, trong một gia đình người Hoa tại ấp Mương Tra, làng Tân Thạnh, quận Long Phú, tỉnh Sóc Trăng. Là con thứ sáu trong gia đình nên thường được gọi là Sáu Tửng.

    Năm 1958, Lai Văn Tửng tham gia lực lượng du kích xã Tân Thạnh. Do anh dũng trong chiến đấu và luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, nên năm 1961, Lai Văn Tửng được điều động về thị xã Sóc Trăng, làm chiến sĩ Đội Biệt động Khu II[1], thuộc Đội Biệt động thị xã Sóc Trăng. Chỉ trong thời gian ngắn, Lai Văn Tửng được bổ nhiệm làm Đội phó và đến cuối năm 1967 làm Đội trưởng Đội Biệt động Khu II.

    Trong quá trình chiến đấu, Đội Biệt động Khu II đã phối hợp với các đội du kích mật ở Khu I, Khu II và Khu III, Đại đội 247, Đại đội 301 và lực lượng vũ trang tỉnh Sóc Trăng nhiều lần tiến công địch, đặc biệt là trong tổng công kích, tổng khởi nghĩa Tết Mậu Thân 1968.

    Riêng đồng chí Lai Văn Tửng đã chỉ huy và tham gia chiến đấu khoảng 50 trận lớn, nhỏ, trực tiếp tiêu diệt 13 tên cảnh sát, tề điệp ác ôn, đầu hàng chỉ điểm; trong chiến đấu diệt 19 tên, thu 15 súng các loại; đột nhập vào bệnh viện giải thoát 4 cán bộ.


Đường Lai Văn Tửng, Phường 6, thành phố Sóc Trăng

    Những thành tích tiêu biểu

    Trong rất nhiều những chiến công của đồng chí Lai Văn Tửng phải kể đến là trận đánh vào đêm 26/3/1961 tiêu diệt tên Phát (còn có tên là Rô) Trưởng ấp Sung Đinh[2] tại một căn nhà chứa bạc ở Ngã tư Cột Lồng Đèn. Trận đánh diễn ra nhanh gọn, đạt hiệu suất chiến đấu cao. Nhân dân vui mừng hả dạ, vì tên Phát hung hăng, gian ác, gây nhiều nợ máu với người dân đã đền tội. Đây là trận đánh đầu tiên của lực lượng biệt động và đã giành thắng lợi trọn vẹn, nên có ý nghĩa tạo thanh thế cho đơn vị, trong đó có vai trò quan trọng của chiến sĩ biệt động Lai Văn Tửng.

    Từ năm 1961 đến năm 1963, Đội Biệt động Khu II được giao nhiệm vụ nắm tình hình, diệt những tên ác ôn và bọn chỉ điểm tại Khu II. Do có lợi thế thông thuộc địa bàn, có võ nghệ và mưu trí, dũng cảm, Lai Văn Tửng nhiều lần một mình nghiên cứu độc lập chiến đấu, dùng búa, dao găm để diệt ác, trừ gian. Bằng nhiều cách tiếp cận, Lai Văn Tửng đã giết 13 tên ác ôn trong đó có 4 tên cảnh sát, 1 trưởng đồn, khống chế một số tên khác không dám hoạt động. Với lối đánh “xuất quỷ nhập thần”, lúc thì giả làm lái heo, lúc thì giả làm lính ngụy,  Sáu Tửng đã gây cho địch nhiều hoang mang lo sợ, nhất là bọn ác ôn, chỉ điểm. Bọn địch ở Phân Chi khu Khánh Hưng nhiều lần tìm cách mua chuộc và treo giải thưởng cho ai giết được Sáu Tửng nhưng tất cả đều vô vọng. Các tổ du kích mật ở thị xã Sóc Trăng nhân cơ hội này đã len lỏi vào vùng ngoại ô, tổ chức vũ trang tuyên truyền, khống chế, vô hiệu hóa những tên trưởng ấp, tề điệp, điềm chỉ, làm cho chúng càng thêm hoang mang lo sợ, từ đó nới lỏng sự kềm kẹp.

    Khoảng giữa tháng 8/1965, Đội Biệt động Khu II nhận nhiệm vụ bằng mọi cách phải giải thoát các cán bộ bị địch bắt tra tấn dã man và được chúng cho đi điều trị tại Nhà thương Phan Bội Châu (Bệnh viện Chuyên khoa Sản Nhi tỉnh Sóc Trăng hiện nay). Ngày 28/8/1965, tổ biệt động gồm 4 chiến sĩ, do đồng chí Sáu Tửng chỉ huy, mưu trí cải trang thành lính ngụy, đột nhập vào bên trong nhà thương. Tên cảnh sát canh giữ các đồng chí tại nhà thương nổi tiếng gian ác và mạnh bạo. Bằng sự nhanh trí, cùng võ thuật điêu luyện, đồng thời tránh gây ra tiếng nổ, trong lúc tên cảnh sát đang nằm đọc báo thì bị đồng chí Sáu Tửng quật ngã xuống nền gạch, khống chế không cho tên cảnh sát dùng súng chống trả. Hai bên đánh nhau quyết liệt, lợi dụng sơ hở của đối phương, đồng chí Sáu Tửng dùng dao găm đâm liên tục vào tên cảnh sát cho đến chết. Tuy bị thương tích đầy mình nhưng đồng chí Sáu Tửng cùng với các chiến sĩ biệt động nhanh chóng giải thoát 4 cán bộ cách mạng và đưa về vùng căn cứ an toàn[3].

    Đầu tháng 5/1966, Đội Biệt động Khu II được giao nhiệm vụ phối hợp với cơ sở nội ứng trinh sát mục tiêu, nắm quy luật hoạt động tuần tra canh gác của địch ở Sân bay Sóc Trăng, để chọn vị trí triển khai trận địa pháo chuẩn bị đánh Sân bay Sóc Trăng. Với tinh thần mưu trí, dũng cảm, đồng chí Lai Văn Tửng và các chiến sĩ biệt động đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Sau khi thực hiện công tác chuẩn bị chiến đấu, đặc biệt là công tác trinh sát mục tiêu, khu vực bố trí trận địa chính thức, trận địa dự bị, trong tháng 5/1966, Đội Biệt động Khu II phối hợp Đại đội Pháo trợ chiến (C602) của Tỉnh Đội Sóc Trăng ba lần dùng cối 82mm tập kích và các mục tiêu quan trọng của địch ở Sân bay Sóc Trăng, phá hủy hàng chục máy bay các loại, thiêu hủy 2 kho xăng, diệt 141 tên địch, trong đó có nhiều cố vấn, chuyên viên quân sự Mỹ. Sau trận đánh, Đội Biệt động Khu II được Ban Chỉ huy Tỉnh Đội Sóc Trăng biểu dương thành tích.

    Cuối năm 1967, đồng chí Lai Văn Tửng được phân công giữ chức Đội trưởng Đội Biệt động Khu II. Trên cương vị Đội trưởng, đồng chí Lai Văn Tửng đã chỉ huy đơn vị tham gia nhiều trận đánh và độc lập tác chiến diệt tề, trừ gian ở nội ô và ngoại ô thị xã Sóc Trăng, tiêu diệt nhiều tên địch, thu nhiều vũ khí, tạo được tiếng vang lớn.

    Thành tích tiêu biểu khác của đồng chí Lai Văn Tửng trong giai đoạn này là vận động Nhân dân thị xã Sóc Trăng, đặc biệt là đồng bào người Hoa lạc quyên ủng hộ kháng chiến. Với lợi thế là dân tộc Hoa và rất có uy tín, nên công tác vận động Nhân dân quyên góp ủng hộ kháng chiến của đồng chí Lai Văn Tửng thực hiện khá thuận lợi và thu được nhiều kết quả. Nhiều gia đình đóng vượt chỉ tiêu, có người ủng hộ cho cách mạng hàng trăm ngàn đồng, góp phần tháo gỡ khó khăn cho công cuộc kháng chiến trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng lúc bấy giờ.

    Trong cuộc Tổng tổng kích, tổng khởi nghĩa Tết Mậu Thân năm 1968, đồng chí Lai Văn Tửng chỉ huy Đội biệt động Khu II phối hợp với Đại đội 301 đánh địch trong nội ô. Đơn vị do đồng chí chỉ huy đã anh dũng chiến đấu quyết liệt với địch, nhưng do hết đạn, thương vong nhiều nên phải rút lui. Trên đường về căn cứ, các chiến sĩ biệt động bị máy bay địch truy kích. Đồng chí Lai Văn Tửng không may bị trúng đạn và hy sinh, đó là ngày 16/2/1968 (nhằm ngày 19 tháng giêng năm Mậu Thân) để lại 4 người phụ nữ thân yêu của đời mình, đó là người mẹ già, người vợ trẻ cùng 2 đứa con gái nhỏ[4]. Đồng chí Lai Văn Tửng hy sinh là sự mất mát rất lớn đối với lực lượng vũ trang thị xã Sóc Trăng nói chung và Đội Biệt động Khu II nói riêng. Càng thương tiếc người chiến sĩ biệt động anh dũng, các cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang càng thêm sục sôi căm thù địch, vượt qua mọi gian khổ, hy sinh, quyết tâm tiêu diệt kẻ thù, làm nên chiến công tiếp nối những chiến công, góp phần giải phóng quê hương.

    Đồng chí Lai Văn Tửng được Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam truy tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Quyết thắng hạng Nhì (năm 1975), Huy chương Giải phóng hạng Nhất (năm 1976)[5].

    Để ghi nhận những cống hiến to lớn của người chiến sĩ biệt động, đồng thời tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân địa phương, năm 1976 các đồng chí lãnh đạo ở thị xã Sóc Trăng quyết định đổi tên đường Lý Thái Tổ thành đường Lai Văn Tửng. Tuy nhiên do có sự nhầm lẫn về họ của đồng chí Lai Văn Tửng nên có thời gian con đường mang tên Châu Văn Tửng. Gia đình và đồng chí, đồng đội của đồng chí Lai Văn Tửng đã phản ánh đến các ngành chức năng. Vì vậy tên đường Châu Văn Tửng được sửa lại là Lai Văn Tửng cho đến ngày nay.

THANH HÀ



[1]  Khu II bao gồm cả phần nội ô và ngoại ô phía Đông Nam thị xã Sóc Trăng, dùng ấp Bưng Tra, xã Tân Thạnh làm địa bàn đứng chân.

[2] Ấp Sung Đinh thuộc xã Tân Thạnh, huyện Long Phú, vùng tiếp giáp thị xã Sóc Trăng lúc bấy giờ.

[3] Theo lời kể của nhân chứng lịch sử, sức khỏe các cán bộ cách mạng bị bắt rất yếu, để thoát khỏi sự vây bắt của kẻ thù, các chiến sĩ biệt động dù có người bị thương vẫn nhanh chóng cõng các đồng chí thoát khỏi nhà thương.

[4] Về gia đình đồng chí Lai Văn Tửng: Cha là ông Lai Văn Lái (mất sớm); mẹ là bà Lê Thị Dậu (mất sau khi đồng chí Lai Văn Tửng hy sinh); vợ là bà Võ Thị Hồng, con gái lớn Lai Thị Thu Hằng, sinh năm 1964 và con gái nhỏ Lai Thị Thu Huệ, sinh năm 1966. Sau khi đồng chí Lai Văn Tửng hy sinh, bà Võ Thị Hồng bị bọn tề xã o ép, gạ gẫm, nên phải cùng hai con nhỏ rời quê hương, lên Sài Gòn sống nương tựa ở nhà anh chồng thứ tư. Sau ngày giải phóng bà Võ Thị Hồng cùng hai con về lại quê nhà tỉnh Sóc Trăng sinh sống. Bà tham gia cách mạng ở địa phương, là đảng viên chi bộ ấp Mương Tra, xã Tân Thạnh, từ trần năm 2006; hai người con gái hiện nay sinh sống cùng gia đình riêng ở Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.

[5] Hiện tại các ngành chức năng ở thành phố Sóc Trăng và tỉnh Sóc Trăng đang hoàn tất hồ sơ đề nghị truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho liệt sĩ Lai Văn Tửng. 



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 69
  • Hôm nay: 3549
  • Trong tuần: 72,882
  • Tất cả: 11,866,909